zenithgroup.vn

Ngành điện TP. Hồ Chí Minh hoàn tất ngầm hóa trên 43 tuyến đường

Với mục tiêu hiện đại hóa lưới điện, đảm bảo an toàn, tin cậy cung cấp điện và cải tạo cảnh quan đô thị, ngành điện TP. Hồ Chí Minh đã không ngừng nỗ lực ngầm hóa lưới điện trên địa bàn. Hiện, các khu vực trung tâm thành phố và nhiều tuyến đường các quận nội thành, lưới điện đã được ngầm hóa.

Thử nghiệm điện áp tăng cao tần số cộng hưởng để kiểm tra tuyến cáp ngầm 110 kV CNC trước khi đấu nối

Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh (EVNHCMC) cho biết, đến nay đã thực hiện hoàn tất ngầm hóa trên 43 tuyến đường với tổng chiều dài khoảng 192,37km trung thế và 397,2km hạ thế và đã khởi công 15 công trình mới.
 
Tổng công ty cũng đã thực hiện hoàn thành 18 công trình truyền tải 220kV, 110kV đáp ứng mục tiêu phát triển nhanh và hình thành cơ bản hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật hiện đại của TP. Hồ Chí Minh. Đối với công trình lưới điện 22kV đã hoàn thành 695 công trình, khởi công 704 công trình.
 
Để tạo đột phá và quản lý hiệu quả đầu tư, EVNHCMC đã đưa vào áp dụng triệt để phần mềm Quản lý đầu tư xây dựng (IMIS). Đây là phần mềm đáp ứng đầy đủ các thông tin, tài liệu, văn bản pháp luật liên quan đến quản lý dự án đầu tư. Đồng thời, có thể theo dõi, xử lý các công việc một cách tổng thể trong toàn bộ vòng đời của dự án, từ khâu chuẩn bị, thực hiện đến kết thúc đầu tư. Đặc biệt, IMIS đã cung cấp các giải pháp đột phá như: Giám sát thi công theo từng loại công trình, kho dữ liệu nhà thầu tập trung, hay việc phê duyệt tài liệu thiết kế nhằm nâng cao chất lượng thi công cũng như giảm thiểu chi phí và sự rủi ro của các công trình xây dựng, nó đã tích hợp công nghệ GPS và các công nghệ mobile để xây dựng các chức năng, app di động.
 
Tổng công ty cũng ban hành mới 16 quy chế quản lý nội bộ và hướng dẫn liên quan đến công tác quản lý đầu tư xây dựng nhằm cụ thể hóa các quy chế, quy định của Tập đoàn Điện lực Việt Nam về công tác đầu tư xây dựng.
 
Theo ông Phạm Quốc Bảo, Tổng giám đốc EVNHCMC, trong kế hoạch năm 2019 EVNHCMC sẽ khởi công 16 công trình lưới điện truyền tải 220kV và 110kV, hoàn thành đóng điện 16 công trình với quy mô thực hiện: 500MVA công suất trạm 220kV và 64,2km đường dây; 252MVA công suất trạm 110kV và 96,4km đường dây; khởi công 21 công trình ngầm hóa 76,1km trung thế và 140,3km hạ thế, hoàn thành 20 công trình 71,3km trung thế và 165,5km hạ thế.
 
Ông Bảo cho biết thêm, trong năm 2019 các dự án phấn đấu hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng các công trình lưới điện trọng điểm nhằm đảm bảo cung cấp điện đầy đủ, đóng góp tích cực cho việc hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
 
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Nguyễn Phương Đông – Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh cho biết, Sở Công Thương thành phố đã đưa vào quy hoạch chương trình ngầm hóa lưới điện với chỉ tiêu đến năm 2025, lưới điện trung thế toàn thành phố đạt tỷ lệ ngầm hóa từ 50 - 60%. Trong đó, khu vực trung tâm thành phố (gồm 930ha) đạt tỷ lệ ngầm hóa 100% và lưới điện hạ thế đạt tỷ lệ ngầm hóa từ 35 - 40%, riêng khu vực trung tâm thành phố (930ha) đạt tỷ lệ ngầm hóa 80%.
 
Khi triển khai thành công quy hoạch này, TP. Hồ Chí Minh sẽ trở thành đơn vị tiên phong trong cả nước thực hiện ngầm hóa lưới điện, góp phần quan trọng trong việc đảm bảo mỹ quan đô thị, phù hợp với việc xây dựng thành phố xanh, sạch, đẹp.
 
Được biết, năm 2018, tổng công ty đã hoàn thành các chỉ tiêu được giao đến năm 2020, về đích sớm 1-2 năm so với lộ trình kế hoạch 5 năm 2016-2020, như: số lần và thời gian mất điện bình quân đối với 1 khách hàng chỉ còn 1,57 lần và 124 phút; tỷ lệ tổn thất điện năng giảm còn 3,27%, về đích sớm 2 năm so với lộ trình đến năm 2020.
 
Bên cạnh đó, công tác phát triển khách hàng cũng đạt kết quả khả quan khi số lượng khách hàng đạt 2,449 triệu, tăng 5,29% so với năm 2017. Việc cung cấp dịch vụ trực tuyến đã đạt cấp độ 4 (khách hàng thực hiện các giao dịch và thanh toán điện tử) với 19 loại hình dịch vụ. Nhờ vậy, tại tổng công ty đã có trên 1,74 triệu yêu cầu dịch vụ điện được tiếp nhận và giải quyết trực tuyến.
Theo: Báo Công Thương

 

 

Tin tức khác

Ngày 22 tháng 01 năm 2019
Sau hơn 1 năm triển khai thi công và gần 2 tháng hoạt động thử tải, vừa qua, Nhà máy Điện gió Mũi Dinh do Công ty Công ty EAB (Cộng hòa Liên ...
Ngày 07 tháng 01 năm 2019
Tổng công suất trạm 110kV tăng thêm là 1.379 MVA và tổng công suất trạm phân phối là 825 MVA. Đặc biệt, EVNSPC phấn đấu hoàn thành đóng điện ...
Ngày 07 tháng 01 năm 2019
HDBank và Công ty Cổ phần tập đoàn Sao Mai (An Giang) vừa ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển dự án Nhà máy Điện mặt trời Sao Mai.
Ngày 07 tháng 01 năm 2019
Theo báo cáo mới nhất của Sở Công Thương Bình Thuận, đến nay, trên địa bàn tỉnh có 90 dự án điện mặt trời, với tổng công suất đăng ký đầu tư ...
Ngày 07 tháng 01 năm 2019
Thông tin từ Văn phòng UBND Thành phố Hải Phòng cho biết: Ông Nguyễn Văn Tùng - Chủ tịch UBND Thành phố vừa có buổi làm việc với Tập đoàn Storm ...
Ngày 17 tháng 12 năm 2018
Mới đây, tại buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, ông Phạm Văn Hậu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, cho biết: UBND tỉnh ...

NHÀ CUNG CẤP

Thiên Đỉnh là nhà phân phối chính thức tại Việt Nam cho các nhà sản xuất dây và cáp điện lớn như NKT-Đức, Olympic-Malaysia, Jembo-Indonesia, Tập đoàn Prysmian. Ngoài ra chúng tôi còn là nhà phân phối phụ kiện cáp ngầm CEET-Pháp, Tập đoàn Prysmian, Raychem-Đức, NKT-Đức Thiết bị báo sự cố cho đường dây và tủ RMU hãng EMG-Đức; Máy biến thế khô Samil-Korea, Thiết bị đóng cắt hạ thế Gacia-China...