PC Khánh Hòa đã có buổi làm việc với Công ty Cổ phần Vinpearl - Chi nhánh Nha Trang để thống nhất giải pháp cấp điện ổn định và lâu dài cho khu du lịch Vinpearl đảo Hòn Tre trong thời gian tới.
Buổi làm việc giữa VinPearl Nha Trang và PC Khánh Hòa.
Tại buổi làm việc, PC Khánh Hòa đề nghị Công ty Cổ phần Vinpearl - Chi nhánh Nha Trang sớm đầu tư hệ thống lưới điện khu du lịch Vinpearl trên đảo Hòn Tre nhằm đảm bảo năng lực cung cấp điện và đáp ứng nhu cầu phụ tải ngày càng cao trên đảotrong thời gian năm 2019 và các năm tới.
Theo đó, có 3 giải pháp được đưa ra để Công ty Cổ phần Vinpearl - Chi nhánh Nha Trang lựa chọn. Giải pháp 1: Đầu tư xuất tuyến 22kV từ trạm biến áp 110kV Bình Tân hiện hữu. Chiều dài tuyến 7,2 km với tổng dự toán 28,8 tỉ đồng. Công suất cấp cho Vinpearl dự kiến thêm được 16MW. Giải pháp 2: Đầu tư các xuất tuyến 22kV đi từ trạm biến áp110kV Trung tâm Nha Trang (dự kiến đưa vào vận hành trong quý 3.2019) đến trạm cắt Phú Quý. Chiều dài tuyến 5,485 km với tổng dự toán 21,92 tỉ đồng. Công suất cấp cho Vinpearl dự kiến thêm được 16MW. Giải pháp 3: Đầu tư trạm biến áp 110kV-40MVA- Vinpearl theo như Quy hoạch hệ thống điện Khánh Hòa giai đoạn 2016-2025 đã được Bộ Công thương duyệt.
Trong 3 phương án trên, phương án 1 và 2 có ưu điểm về mặt chi phí đầu tư thấp nhưng độ tin cậy không cao bằng phương án 3. Phương án 2 còn có ẩn số là trạm 110kV Nha Trang hiện chưa có, chỉ dự kiến đi vào vận hành trong quý 3.2019. Phương án 3 sẽ đảm bảo cấp điện cho Vinpearl được an toàn, tin cậy, đúng quy hoạch đã được duyệt. Đồng thời, Vinpearl sẽ có được thêm 2 nguồn dự phòng từ các trạm biến áp110kV Bình Tân và Trung tâm Nha Trang khi trạm Vinpearl bị mất điện.
Trước mắt trong mùa nắng nóng năm 2018 và trong khi chờ đợi việc đầu tư các xuất tuyến mới 22kV trạm 110kV Vinpearl đi vào vận hành, khi phụ tải của Vinpearl tăng cao vượt ngưỡng an toàn của hệ thống điện, PC Khánh Hòa đề nghị Công ty Cổ phần Vinpearl - Chi nhánh Nha Trang phối hợp với Phòng Điều độ để có giải pháp phù hợp trong việc vận hành điều tiết công suất cung cấp từ lưới điện 22kV.
Các giải pháp cấp điện cho Tổ hợp du lịch Vinpearl.
Hiện nay, việc cấp điện cho Tổ hợp du lịch Vinpearl bên đảo Hòn Tre (Vĩnh Nguyên – Nha Trang) thông qua 2 tuyến cao thế 22kV: 475-EBT và 481-EBT đi từ trạm 110kV Bình Tân 2x40MVA. Đây là 2 tuyến cáp ngầm vượt biển dài hơn 3,6 km, sử dụng cáp đồng 300 mm2. Theo đó, tuyến 475-EBT có tổng chiều dài là 8.096 km. Trong đó, phần đường dây trên không, sử dụng dây nhôm bọc tiết diện 185 mm2, dài 5.092m, phần cáp ngầm sử dụng cáp nhôm tiết diện 240 mm2 dài 1.478m và tiết diện 300 mm2 dài 1.589 m. Tuyến 481-EBT có tổng chiều dài tuyến là 6,931 km, trong đó phần dường dây trên không, sử dụng dây nhôm bọc tiết diện 185 mm2, dài 2.884 m, phần cáp ngầm sử dụng cáp nhôm tiết diện 300 mm2 dài 4.047 m.
Trong thời gian 3 năm trở lại đây, nhu cầu phụ tải điện của khu du lịch đảo Hòn Tre tăng nhanh và đã đạt công suất Pmax là 17MW vào tháng 8 năm 2017. Theo dự báo, với quy mô khối lượng các cơ sở du lịch đã xây dựng và đang hoàn thiện trên đảo thì nhu cầu công suất tiêu thụ điện của Vinpearl Hòn Tre sẽ còn tăng cao hơn, dự kiến có thể đạt tới 25MW trong thời gian tới. Tình hình này đã và đang gây quá tải các tuyến trung áp liên quan bên đất liền, dẫn đến nhiều sự cố như nóng đỏ lèo, đứt lèo, nổ cáp ngầm và nguy cơ tiềm ẩn vẫn còn cao.
Trong hai năm 2017 và 2018 đã xảy ra 10 sự cố liên quan đến nóng đỏ lèo, đứt lèo, cháy nổ cáp ngầm trên các tuyến kể trên. Gần đây nhất là sự cố nổ cáp ngầm xuất tuyếnXT475-EBT vị trí RMU128-129 vào ngày 7.6.2018 và sự cố đứt lèo pha giữa xuất tuyến XT 481/EBT từ đầu cáp ngầm lên cầu dao tại vị trí 481-479-EBT/59 vào ngày 8.6.2018.
Ngoài ra, theo số liệu kiểm tra và đo nhiệt độ các điểm tiếp xúc trên lưới trung áp trong tháng 5.2018 thì tình trạng mang tải và nhiệt độ mối nối và các vị trí tiếp xúc trên xuất tuyến 475-EBT rất cao và rất dễ gây ra sự cố do quá tải đứt lèo. Cụ thể có 40 vị trí tình trạng mang tải ở mức 147%, các trị số đo nhiệt mối nối các pha, trị số đo nhiệt độ dây dẫn và độ chênh lệch nhiệt độ mối nối so với dây dẫn đều ở mức đáng quan tâm.
Để nâng cao năng lực cung cấp điện, chống quá tải cho trạm nguồn, trong năm 2017, PC Khánh Hòa đã đầu tư lắp máy biến áp 110kV - 40MVA thứ hai tại trạm 110kV Bình Tân và một số ngăn máy cắt xuất tuyến 22kV (trị giá 26,7 tỉ đồng). Đồng thời trên lưới trung áp, công ty cũng đã đầu tư thêm tuyến 481-EBT (trị giá 10.6 tỉ đồng). Tổng chi phí đầu tư cả 2 công trình trên 37,384 tỉ đồng. Ngoài ra, Điện lực Vĩnh Nguyên cũng đã tăng cường công tác quản lý vận hành (phát quang hành lang lưới điện, xử lý mối nối, kiểm tra đo nhiệt độ các pha) để đảm bảo lưới điện vận hành an toàn cao nhất.
Trong tháng 6.2018, để xử lý tình trạng xuất tuyến 475-EBT luôn mang tải cao, PC Khánh Hòa lập phương án xử lý tiếp xúc nhằm đảm bảo vận hành tạm thời. Trong đó, huy động nhân sự của các đơn vị điện lực trong công ty là 33 người, được chia ra thành 11 nhóm.
Theo: Báo Văn hóa